09/02/2023 - 23:01

Mức đóng đoàn phí công đoàn, kinh phí công đoàn năm 2023?

Kinh phí công đoàn là nguồn tài trợ cho hoạt động đoàn ở các cấp. Người tham gia công đoàn hàng tháng có trách nhiệm nộp khoản tiền phí công đoàn tới Liên đoàn lao động. Vậy mức đóng phí công đoàn hiện nay là bao nhiêu? Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê sẽ làm rõ vấn đề trên:

1. Đối tượng và mức đóng đoàn phí công đoàn

Theo quy định tại Luật Công đoàn 2012, Đối tượng đóng đoàn phí công đoàn là đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt tại các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

Căn cứ tại Điều 23 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ quy định quản lý tài chính tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn có quy định:

Có ba đối tượng đóng đoàn phí công đoàn và mức đóng của từng đối tượng như sau:

Thứ nhất, Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở, cụ thể:

– Cơ quan nhà nước;

– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

– Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

– Đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định.

Mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Trong đó: Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề.

Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước ( bao gồm cả đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối)

Mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

Thứ ba, Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở sau:

–  Doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối);

– Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định;

– Liên hiệp hợp tác xã;

– Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;

– Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam;

– Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài.

Mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

Lưu ý:

– Trong trường hợp các công đoàn cơ sở của nhóm đối tượng thứ hai và thứ ba nêu ở trên được thu đoàn phí công đoàn của đoàn viên hàng tháng nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng (từ tổ trưởng công đoàn trở lên) đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở, cụ thể mức thu như sau:

+ Bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên); hoặc

+ Quy định mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội

Tiền đoàn phí công đoàn phần thu tăng thêm so với quy định được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.

– Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí;

Đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

– Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.

Mức đóng đoàn phí công đoàn hàng tháng hiện này là 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

– Mức tối đa: Bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

2. Phương thức đóng đoàn phí công đoàn

Căn cứ tại Điều 24 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ quy định quản lý tài chính tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn có quy định

– Thứ nhất, Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng trực tiếp hàng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn (theo phân cấp của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn).

-Thứ hai, Đoàn phí công đoàn thu qua lương hàng tháng (tiền mặt hoặc chuyển khoản) sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên.

Riêng đối với phương thức thu này, số thu đoàn phí công đoàn phải có xác nhận của phòng kế toán đơn vị và có danh sách chi tiết đoàn viên đóng đoàn phí.

– Ngoài ra, pháp luật khuyến khích đoàn viên công đoàn, công đoàn cơ sở đổi mới phương thức thu, nộp đoàn phí công đoàn bằng công nghệ hiện đại (thu qua tài khoản cá nhân, qua thẻ ATM…) trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa đoàn viên với công đoàn cơ sở và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý bằng văn bản.

3. Đối tượng và mức đóng kinh phí công đoàn

Kinh phí công đoàn là nguồn tài trợ cho hoạt đông đoàn ở các cấp và theo pháp luật hiện hành, cụ thể tại Luật Công đoàn quy định, kinh phí công đoàn được trích theo tỷ lệ 2% trên tổng số tiền lương mà đơn vị sử dụng lao động phải trả cho người lao động, cụ thể như sau:

Khác với đoàn phí công đoàn ( do người lao động là đoàn viên tham gia tổ chức công đoàn có trách nhiệm đóng) thì Đối tượng đóng kinh phí công đoàn sẽ là người sử dụng lao động đóng, điều đó được quy định tại Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn tài chính công đoàn và căn cứ tại Luật Công đoàn 2012, cụ thể:

Bất kể cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều phải đóng kinh phí công đoàn cho dù tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đó bao gồm:

– Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

– Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

– Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã.

– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

– Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Như đã nói ở trên, mức đóng kinh phí công đoàn là 2% được tính trên tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội

Trong đó, phương thức đóng kinh phí công đoàn sẽ phụ thuộc vào từng địa phương, có địa phương yêu cầu nộp trực tiếp, có địa phương cho phép chuyển khoản có thể liên hệ trực tiếp với Liên đoàn Lao động quận, huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được hướng dẫn cụ thể và mỗi tháng đóng 1 lần cùng thời điểm đóng BHXH cho người lao động.

4. Mức sử phạt vi phạm về đóng kinh phí công đoàn.

Căn cứ theo Điều 37 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt Vi phạm quy định về đóng kinh phí công đoàn cụ thể như sau:

– Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Chậm đóng kinh phí công đoàn;
+ Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
+ Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

– Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng KPCĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí công đoàn cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

Đánh giá post này

Liên hệ với chúng tôi

Nội dung chính